Toàn bộ tuyệt chiêu về sử dụng và bảo quản áo da bạn nên biết (Phần 2)

Toàn bộ tuyệt chiêu về sử dụng và bảo quản áo da bạn nên biết (Phần 2) – Trong phần 1, bạn đã nắm được một số kiến thức cơ bản về các loại da và một số lưu ý khi sử dụng, trong phần 2, chúng tôi sẽ hướng dẫn cặn kẽ về cách giặt áo da và xử lý một số hiện tượng xảy ra với áo khi để lâu không sử dụng. Cùng hocmay.vn tìm hiểu nhé các bạn.

Làm sạch áo da tại nhà

Nếu bạn có biện pháp bảo vệ áo khoác thường xuyên, việc xóa bỏ những vết bẩn bám trên bề mặt áo khoác sẽ không còn là vấn đề nan giải. Song có những loại vêt bẩn như nấm mốc hay vết mực lại cần có kỹ thuật xử lý phức tạp hơn nhiều.

Với phần vải phía trong, bạn phải xử lý thế nào khi nó trở nên thiếu sạch sẽ bởi mồ hôi? Nếu áo khoác mới mua hoặc đắt đỏ, tốt nhất bạn nên nhờ đến sự trợ giúp của dịch vụ giặt ủi hoặc những người có hiểu biết về da.

Tuy nhiên nếu chất liệu phía bên trong áo khoác da có thể giặt tay được, bạn vẫn có thể tự giặt chúng ở nhà thay vì mang ra tiệm.

Trước khi giặt

Với áo khoác da hay bất cứ loại áo khoác nào, bạn hãy tập cho mình thói quen kiểm tra nhãn mác của áo để biết được cách giặt nào phù hợp với chúng. Như bạn đã biết, áo da có rất nhiều loại khác nhau, vì thế cách giặt của từng loại áo cũng khác nhau. Và để biết được nên làm gì với chiếc áo khoác da của mình, hãy đọc nhãn mác áo khoác xem nhiệt độ nước phù hợp để giặt cũng như kiểm tra xem chúng có bắt buộc giặt bằng tay không nhé!

Các bước giặt và cách giặt áo khoác da

Sau đây, chúng tôi sẽ giúp bạn làm sạch áo khoác da của mình với những bước thật đơn giản và vô cùng dễ làm.

Làm sạch phần ngoài áo khoác da

Chuẩn bị:
  • 1 chậu nước ấm
  • Xà phòng, chất tẩy rửa độ nhẹ
  • 1 miếng xốp bọt biển
  • 1 miếng vải mềm
  • Dung dịch bảo quản da
Các bước thực hiện:
  • Bước 1: Đổ đầy chậu với nước ấm, hòa 1 lượng nhỏ dung dịch xà phòng hoặc chất tẩy rửa.
  • Bước 2: Làm ẩm miếng xốp bọt biển với dung dịch vừa hòa.
  • Bước 3: Nhẹ nhàng lau bề mặt áo khoác, tuyệt đối không cọ mạnh.
  • Bước 4: Xả miếng bọt biển và nhúng vào nước sạch rồi lau lại áo khoác để hết xà phòng.
  • Bước 5: Dùng miếng vải mềm nhẹ nhàng lau khô để áo không bị ẩm.
  • Bước 6: Treo áo lên cho khô.
  • Bước 7: Sau khi áo khô, sử dụng dung dịch bảo quản da theo hướng dẫn.
  • Bước 8: Treo áo bảo quản sau khi áo khô.

Làm sạch lớp lót áo khoác da

Chuẩn bị:

  • 1 máy hút bụi
  • 1 lọ dung dịch xịt thơm
  • 1 chậu nước ấm
  • 1 dung dịch xà phòng chuyên dùng cho giặt
  • 1 miếng xốp bọt biển
  • 1 miếng vải  mềm
  • Giấm (có thể có)
  • Baking soda (có thể có)

Các bước thực hiện:

  • Bước 1: Treo áo khoác hoặc đặt xuống mặt sàn và nhẹ nhàng hút bụi lớp lót.
  • Bước 2: Kiểm tra xem lớp lót còn bẩn không, nếu không còn thì xịt dung dịch thơm. Nếu vẫn còn bẩn, hãy giặt lớp lót theo các bước tiếp sau.
  • Bước 3: Đổ đầy chậu nước ấm, hòa thêm một lượng nhỏ dung dịch xà phòng. Nếu vết bẩn khó tẩy rửa, sử dụng lượng nhỏ baking soda hoặc nửa chén giấm hòa với nước.
  • Bước 4: Khuấy mạnh để dung dịch hòa tan trong nước cho đến khi thấy bọt.
  • Bước 5: Nhúng miếng bọt biển vào dung dịch và vắt kỹ rồi nhẹ nhàng lau lớp lót.
  • Bước 6: Dùng vải mềm lau khô lớp lót.
  • Bước 7: Dùng miếng bọt biển làm ẩm với nước sạch để lau lớp lót.
  • Bước 8: Lau khô lớp lót lần nữa.
  • Bước 9: Treo áo cho khô trước khi cất bảo quản.

Vừa rồi là các bước làm sạch áo khoác da cơ bản, tuy nhiên, đừng vội thực hiện luôn nhé bởi sau đây là những cách giặt áo khoác da với từng loại áo đấy!

Hãy xem áo khoác của mình là da gì để giặt cho đúng cách bạn nhé!

Cách giặt tương ứng với từng loại da

Cách giặt áo da thông thường bằng nước

  • Bước 1: Bỏ hết các đồ vật trong túi áo ra và lộn mặt trong của áo khoác ra ngoài.
  • Bước 2: Đổ đầy chậu nước bằng nước ấm. Đổ một lượng nhỏ chất lỏng làm sạch có tính chất dịu nhẹ và hòa tan vào nước.
  • Bước 3: Nhấn áo khoác da ngập hoàn toàn trong nước, bóp và vắt nhẹ phần vải lót.
  • Bước 4:Ngâm áo trong xà phòng trong khoảng 10 phút, nếu có vết bẩn, hãy sử dụng một bàn chải mềm để chải sạch.
  • Bước 5: Nhấc áo khoác ra khỏi chậu và nhớ đừng vắt áo nhé.
  • Bước 6: Rũ và bóp nhẹ, sau đó giặt lại với nước sạch.
  • Bước 7: Sau khi giặt xong, lật mặt phải và treo lên bằng móc gỗ cứng để không để lại vết trên vai áo.

Chú ý: Tránh phơi chúng dưới ánh nắng mặt trời hay dùng máy sấy tóc để làm khô áo nhanh chóng. Ngay cả trong trường hợp bạn bị dính mưa và áo khoác bị ẩm, hãy để nó khô tự nhiên.

Cách giặt áo da lộn

Da lộn hay Suede Leather vốn là mặt trong của da thật nên sùi hơn da trơn. Do sự khác biệt đó cách chăm sóc cũng đặc biệt hơn da trơn thường, vì vậy chúng tôi để chữ “giặt” trong ngoặc kép. Bạn hãy hình dung ra da lộn giống như mặt sau của 1 tờ giấy vậy, nhám và không bằng phẳng, chúng ta sẽ phải dùng các dụng cụ để tẩy. Sau đây là các bước chi tiết:

Chuẩn bị:

  • Một chiếc chổi lông nhựa chuyên vệ sinh áo ( bụi và các vết bẩn dễ phủi)
  • Một lượng bột ngô vừa đủ ( để phủ lên những chỗ dính vết bẩn khó hơn: dầu hay mỡ,…) hoặc dung dịch vệ sinh áo da lộn chuyên dụng
  • Dung dịch tẩy hoặc bột giặt, lượng nước ấm vừa đủ pha để vệ sinh phần lót bên trong

Các bước thực hiện:

Bước 1Vệ sinh tổng thể toàn thể áo da

Dùng chổi lông chuyên dụng đánh toàn bộ bề mặt chiếc áo để loại bỏ bụi bẩn. Tiếp đó, hãy chú ý những vết bẩn khó hơn ở tay áo, cổ áo và tiếp tục vệ sinh. Nếu những chỗ đó quá khó vệ sinh, hãy sang bước thứ 2.

Bước 2Vệ sinh các vết bẩn khó tẩy

  • Dùng bột ngô: Hãy rải bột ngô nên những vết bẩn khó tẩy và giữ vậy trong vài giờ hoặc tốt hơn bạn nên để qua đêm. Bột ngô sẽ hút đi những vết bẩn, nhấc chúng khỏi bề mặt lớp da lộn. Tiếp đó, bạn chỉ việc dùng bàn chải để phủi sạch lớp bột.
  • Dùng dung dịch chuyên dụng: Khi dùng dung dịch bạn nên chú ý sử dụng trên toàn bộ mặt da của chiếc áo khoác, tránh trường hợp bị xuất hiện những vết phai màu.

Bước 3Vệ sinh phần lót bên trong

Phần này chủ yếu là vải cotton pha poly hay sợi nhân tạo khác. Vì vây, bạn có thể dùng chất tẩy

  • Chuẩn bị một chậu nước ấm, pha vào đó một lượng bột giặt vừa đủ và hòa tan nó
  • Dùng giẻ mềm thấm dung dịch vừa pha và vệ sinh toàn bộ phần lót
  • Cuối cùng, lột trái chiếc áo da và phơi nơi thoáng mát

Cách giặt áo khoác giả da

Chất liệu PU (viết tắt là Poly Synthetic Leather), là một loại chất liệu nhân tạo có chất lượng kém hơn chất liệu da thật, nhưng có hình dạng, màu sắc và hình thức thẩm mỹ lại giống như da thật. Đây là chất liệu phổ biến được sử dụng làm nên hầu hết áo khoác da được bày bán trên thị trường hiện nay bởi giá cả phải chăng và diện mạo giống y hệt da thật.

Thông thường một áo khoác da thật có tuổi thọ khoảng từ 3-4 năm, trong khi đó da nhân tạo với chật lượng kém hơn rất nhiều, chỉ sau một năm nhìn lại trên bề mặt áo đã nổ nhiều vị trí trên áo.

Vải giả da là chất liệu dễ thấm nước, dễ dàng bị ướt và hư hỏng nếu ngâm trong nước quá lâu, bên cạnh đó chúng không ưa ánh sáng trực tiếp của mặt trời. Với aniline, bạn có thể nhúng chúng trong chậu nước, song với chật liệu giả da này, bạn không nên thực hiện theo cách đó. Để làm sạch áo khoác giả da, trước hết hãy dùng khăn sạch thấm nước ấm lau sạch các vết bẩn trên bề mặt áo, sau đó dùng bàn chải mềm tẩm nước xà phòng chải nhẹ. Sau đó hãy nhúng khăn mềm vào nước ấm rồi lau sạch, đem áo phơi áo vào chỗ khô thoáng, không có ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp.

Nguyên nhân khiến da bị nổ là do chất liệu này bị thiếu nước, vì thế hãy chịu khó đầu tư một chai dầu em bé để bảo vệ da trong thời tiết khắc nghiệt và ánh sáng mặt trời, chúng sẽ giúp bề mặt chiếc áo khoác luôn tươi mới và giữ độ ẩm tối thiểu.

Để lớp vải giả da áo thêm bóng như mới, sau khi áo khô bạn nên đánh lên áo 1 ít xi chuyên dụng. Chú ý, khi giặt áo chất liệu vải giả da không được dùng xăng để giặt tẩy hay phơi áo dưới trời nắng trực tiếp hoặc dùng lửa để hong khô. Để hạn chế giặt áo giả da nhiều lần gây hỏng áo, khi áo bị bẩn, bạn cần “xử lý” ngay bằng cách dùng 1 miếng vải nhung sạch tẩm lòng trắng trứng gà để lau chùi. Làm như vậy, vừa sạch được vết bẩn vừa làm cho bề mặt vải giả da trở nên sáng bóng.

Cách giặt áo da lót lông

Loại áo khoác combo khó chiều này đã làm tốn không ít công sức của tín đồ yêu áo khoác da. Nếu bạn muốn tiết kiệm, không muốn tìm đến cơ sở giặt chuyên dụng vì quá đắt đỏ, hãy thử làm sạch nó tại nhà. Với tính chất của lớp lông vũ lót trong, dễ bị gãy và khô cứng, hãy tìm đến nước giặt có tính chất trung tính như dầu gội đầu và pha loãng nó vào nước. Lấy bàn chải đánh răng nhúng dung dịch đó rồi chải lên lớp lông vũ có vết bẩn, bóp nhẹ và phơi ở nơi thoáng mát, tránh ánh sáng mặt trời.

Cách giặt áo da bị mốc: Làm thế nào mới chuẩn?

Có một cách loại bỏ vết mốc khá hiệu quả, đó là hòa nước và cồn với tỷ lệ 1:1. Lấy một miếng bọt biển, thấm dung dịch trên, lau vào phần da bị mốc hoặc cho vào bình xịt dung dịch đã pha và xịt lên áo. Sau đó, lấy miếng vải khô lau sạch nước và phơi trong môi trường thoáng mát.

Lời kết

Như vậy, với toàn bộ hướng dẫn chi tiết, dễ nhớ trong cả 2 phần, chúng tôi hy vọng các bạn đã có đủ kiến thức cần thiết về cách chăm sóc chiếc áo da yêu thích của mình. Từ nay bạn sẽ không còn ngần ngại sắm trang phục bằng nhiều chất liệu da khác nhau, và hoàn toàn tự tin làm chủ phong cách thời trang với “item” bền vững với mọi xu hướng này bạn nhé.

Rate this post

Bài viết liên quan