Chất lượng của sản phẩm thời trang – Hiểu đúng để mua sắm

Trong xã hội hiện đại, thời trang không còn là nhu cầu cơ bản, mà là phong cách sống. Con người không còn dễ dãi trong cách ăn mặc, mà với họ một sản phẩm thời trang chất lượng luôn đóng vai trò quan trọng để thể hiện bản thân và tôn trọng người đối diện. Tuy nhiên, đã bao giờ bạn tự hỏi, giữa muôn vàn lựa chọn trong thế giới váy vóc lụa là, điều gì tạo nên một sản phẩm thời trang chất lượng, và giá cả có phải là yếu tố quyết định đến giá trị của món đồ bạn đang sở hữu? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nhé.

 

“Merchandising”

Quá trình lên kế hoạch, phát triển, và giới thiệu sản phẩm đến thị trường mục tiêu gọi chung là hoạt động merchandising. Trong thời trang, giai đoạn này đặc biệt quan trọng để tạo ra sản phẩm thời trang chất lượng và liên tục đón đầu xu hướng thời trang mới nhất.

 

Điều đầu tiên làm nên sự khác biệt về chất lượng của từng thương hiệu thời trang là khả năng phân tích xu hướng và sáng tạo của bộ phận merchandising. Cùng một xu hướng, nhưng khả năng thiết kế và xử lý chất liệu của mỗi thương hiệu sẽ khác nhau. Chẳng hạn, với xu hướng màu sắc Xuân Hè 2017 là sắc hồng của cây khoa vản anh (fuchsia), nhà mốt Bottega Veneta chọn chất liệu da không thấm nước, nhuộm màu hồng đặc trưng với công thức pha màu độc quyền và cho ra những thiết kế áo khoác (trench coat) thời thượng. Tuy nhiên, nếu một nhãn hiệu khác hạn chế về khả năng sáng tạo, cũng như không có đủ nguồn lực để biến ý tưởng thành thực tiễn thì giá trị và chất lượng của sản phẩm sẽ thấp hơn nhiều so với những thương hiệu nổi tiếng.

 

Bên cạnh đó, chất lượng vải và họa tiết độc quyền là hai yếu tố không thể thiếu để tạo ra một sản phẩm thời trang đẳng cấp. Chẳng hạn Chanel nổi tiếng với bộ suit thanh lịch trên chất liệu vải tweed nổi tiếng, hay những chiếc túi xách da cừu bông, có quai xách mạ vàng và logo monogram với hai chữ C lồng vào nhau; hay với Burberry là chất liệu vải trứ danh “Gabardine” siêu nhẹ và chống thấm tốt, được dệt từ cotton Ai Cập. Giới mộ điệu thời trang thường dựa vào những yếu tố đặc biệt này để phân biệt chất lượng giữa những thương hiệu.

Một bộ trang phục có chất lượng vải tốt phải đáp ứng một số yêu cầu như: bề mặt phẳng phiu, mềm mại, sờ mát tay, độ bền cao, không ra màu, quan trọng cảm giác người mặc cảm thấy thoải mái, dễ chịu. Những chất liệu vải tốt tại thị trường Việt Nam thường thấy là lụa tơ tằm, gấm, chiffon lụa, organza, linen, cotton 100%, da, da lộn.vv..

 

Suy cho cùng, thời trang là vẻ bề ngoài con người khoác lên để thể hiện nhiều góc cạnh nội tâm, nên hiệu ứng về thị giác là điều kiện cần và đủ để người dùng sở hữu bề ngoài hoàn hảo. Trong đó, hoạt động merchandising góp phần nghiên cứu và quyết định chất liệu vải và kỹ năng phối màu, họa tiết, form dáng, độ bền,… cho sản phẩm vào mỗi mùa của thương hiệu. Tất cả đều nhằm thu hút khách hàng, gia tăng mức độ trung thành với thương hiệu và thúc đẩy quyết định mua hàng của người tiêu dùng.

Khả năng sản xuất và kỹ thuật công nghệ

Từ ý tưởng đến thực tiễn luôn cần yếu tố kỹ thuật. Đầu tiên là trình độ chuyên môn của lực lượng lao động, khả năng sáng tạo và làm chủ công nghệ. Một công nhân có tay nghề cao, biết cách sử dụng máy móc hiệu quả có thể sản xuất được gấp nhiều lần sản phẩm, có hiệu suất hơn một công nhân không biết sử dụng linh hoạt nguồn lực của mình.

 

Yếu tố thứ hai ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm thời trang là công nghệ. Có thể nói, sự thay đổi của công nghệ sẽ đẩy mạnh tính tự động trong ngành công nghiệp may mặc. Một số loại máy móc hiện đại được lập trình có thể linh động trong việc sản xuất nhiều loại vải khác nhau, theo nhiều size. Áp lực cạnh tranh thúc đẩy các nhà máy sản xuất đổi mới phương pháp quản lý sản xuất và chính sách đãi ngộ nhân viên. Trên thế giới, ngành công nghiệp may mặc đã cơ cấu quy trình may và những hoạt động liên quan những đơn vị vệ tinh hoạt động sao cho hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhân công cho nhà sản xuất.

Bên cạnh đó, sự vận hành của nền công nghiệp thời trang không thể thiếu những thiết kế đột phá, chất lượng vải mới lạ, và hơn hết là sự đáp ứng nhanh về số lượng và chất lượng. Điều này yêu cầu khả năng sản xuất và thế mạnh về công nghệ của từng thương hiệu thời trang.

Tóm lại, yếu tố cấu thành nên một sản phẩm thời trang chất lượng nằm ở khả năng nghiên cứu thiết kế, trình độ sản xuất và công nghệ. Tuy vậy, giá thành có phải là căn cứ để xác định một sản phẩm thời trang chất lượng hay không?

Cùng một thương hiệu nhưng sản phẩm may tại Đức có giá cao hơn nhiều lần so với tại Campuchia?

Có 3 yếu tố chính ảnh hưởng đến giá của sản phẩm gia công tại nước ngoài: Thuế, giá xăng dầu, và chi phí quản lý sản xuất. Tuyệt nhiên chất lượng sản phẩm không thay đổi đáng kể giữa các nước gia công, vì nguyên liệu, thiết kế, máy móc, công nghệ đều được thương hiệu thời trang này trang bị giống nhau cho mỗi đơn vị. Ngoài ra một số thương hiệu sẽ thường xuyên cử nhân viên từ trụ sở chính đến các cơ sở gia công để hướng dẫn cho công nhân quy trình làm việc, cách sử dụng máy móc và kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn có sẵn.

Vì vậy sự khác biệt về giá là do chính sách kinh tế và chi phí sản xuất tại mỗi nước khác nhau. Tại Đức, thuế VAT người tiêu dùng chi trả cho một sản phẩm/dịch vụ là 19% giá gốc sản phẩm (theo tradingeconomics.com); trong khi tại Campuchia, thuế VAT chỉ ở mức 10% giá gốc. Ví dụ một chiếc túi xách hiệu A sản xuất tại Campuchia có giá 300usd thì sản phẩm này khi bán tại Đức sẽ có giá 321usd, chênh lệch 21usd/sản phẩm. Ngoài ra, giá xăng dầu cũng ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển hàng hóa, góp phần làm biến đổi giá sản phẩm nếu phí xăng dầu chênh lệch giữa các nước sản xuất gia công.

Thực tế mức sống tại Đức cao hơn mức sống tại Campuchia, mức lương nhân công và chi phí quản lý kinh doanh như thuê mặt bẳng, nội thất cửa hàng tại Đức sẽ đội môt phần chi phí, khiến giá thành nhỉnh hơn so với sản phẩm sản xuất tại Campuchia. Nói cách khác, thiệt thòi sẽ thuộc về người tiêu dùng, vì phải gánh thay một phần thuế, chi phí xăng dầu, sản xuất cho thương hiệu – bằng việc trả giá cao hơn cho một sản phẩm thời trang có chất lượng tương đương với sản phẩm sản xuất tại những nước đang phát triển như Campuchia.

Lời kết

Thời trang luôn là thế giới làm đẹp bất tận cho chị em phụ nữ, một khi mức sống càng cải thiện, yêu cầu về chất lượng của món đồ thời trang càng được xem trọng. Giá cả được xem là thước đo giá trị sản phẩm, nhưng trong một số trường hợp, chúng ta nên tỉnh táo xác định yếu tố nào làm nên chất lượng của sản phẩm dự định mua. Theo đó, chất lượng vải, đường may mũi chỉ, tính xu hướng trong thiết kế, màu sắc và xuất xứ của sản phẩm là những điểm chính để người tiêu dùng cân nhắc khi chọn cho mình một bộ trang phục cho vẻ ngoài hoàn hảo.

Xem nhiều bài viết hay tại hocmay.vn nhé!

Rate this post

Bài viết liên quan