[ Mới 2022] Dệt lanh – Nghề truyền thống của một số dân tộc thiểu số

[ Mới 2022] Dệt lanh – Nghề truyền thống của một số dân tộc thiểu số – Cây lanh chiếm một vị trí quan trọng trong cả đời sống thường ngày cũng như đời sống tinh thần của đồng bào Mông. Nghề dệt lanh truyền thống trở thành lối thoát nghèo đồng thời mở ra hướng phát triển du lịch ở một số dân tộc thiểu số.

Những quy trình dệt lanh

Sủng Trái, huyện Mèo Vạc cách thị xã Hà Giang chừng 130km, 90% diện tích là đá, khí hậu khắc nghiệt, địa hình núi cao hiểm trở. Nhuộm vải lanh là một trong các công đoạn quan trọng của nghề dệt lanh truyền thống. Đầu tiên, muốn có sợi lanh người dân phải trồng cây lanh xen trong kẽ đá. Đến mùa thu hoạch độ tháng 6, mang cây lanh về phơi khô, tước sợi. Tiếp theo sẽ xe sợi rồi dệt thành từng tấm vải. Công đoạn kế đến quan trọng nhất là ngâm vải lanh trong nước chàm tạo màu, ngâm càng lâu màu vải càng khó phai, sau đó phơi khô. Và cuối cùng là cắt may. Sản phẩm chính là những chiếc áo tàpủ, quần nái, hay váy dân tộc của người Dao, người Mông.

Ở xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, đã thành truyền thống, mỗi người phụ nữ Mông đến tuổi trưởng thành đều có những mảnh nương riêng để trồng lanh. Những ruộng lanh mọc đều thẳng tắp chỉ hơn hai tháng đã cho thu hoạch, được người Mông cắt về rồi đem phơi khô để chế biến thành sợi. Khi tách lấy vỏ lanh, đôi tay người phụ nữ phải hết sức khéo léo cho sợi lanh có độ mảnh đều nhau và không bị đứt nửa chừng. Những bó vỏ lanh này được cuộn chặt lại rồi cho vào cối giã đánh bong hết bột chỉ, còn trơ lại sợi dai, rồi cuộn lại thành những con sợi lớn. Qua vài lần luộc nước tro bếp và một lần luộc nước sáp ong, sợi lanh đã trắng và mềm hơn, đó là lúc những phụ nữ người Mông bắt đầu ngồi vào khung dệt của mình.

Người Mông thường dệt bằng khung cửi đai lưng

Người Mông thường dệt bằng khung cửi đai lưng. Tấm vải được dệt xong còn phải giặt đi giặt lại nhiều lần cho thật trắng. Sau đó, tấm vải được trải lên khúc gỗ tròn, rồi dùng một phiến đá chà sáp ong trượt đi, trượt lại cho đến khi tấm vải thật phẳng. Làm ra những tấm vải lanh tốt là niềm tự hào của mỗi người phụ nữ Mông, có lẽ cũng chính vì vậy mà họ luôn thận trọng trong từng công đoạn, dù là căng sợi hay luồn khung. Và cũng từ mong ước làm ra những tấm vải lanh tốt đó, không biết từ bao giờ họ cũng đã hình thành những quy ước rất khắt khe như kiêng nam giới đến gần khi phụ nữ căng sợi luồn vào khung, vì sợi đứt và bị luồn nhầm. Khi dệt xong, vải còn thô, người ta phải giặt nhiều lần, ngâm nước tro và phơi cho vải trắng và mịn, để có thể đem may mặc. Vải đẹp là vải nhẵn, sợi đều, trắng, nhỏ… khi mặc luôn tạo cảm giác mềm mại và thoáng mát.

Kỹ thuật nhuộm chàm của người Mông

Không chỉ giỏi dệt vải, người Mông ở Lùng Tám còn có kỹ thuật nhuộm chàm mà khó có nơi nào sánh được. Nhuộm chàm là công việc vất vả, mất nhiều thời gian và đòi hỏi tính kiên nhẫn cao. Muốn có màu chàm đen như ý, mảnh vải phải được nhuộm đi nhuộm lại nhiều lần, trong nhiều ngày. Người ta thường ngâm vải trong dung dịch chàm chừng một giờ đồng hồ, sau đó mới vớt ra để ráo nước rồi lại ngâm tiếp. Quy trình đó được lặp đi lặp lại 5-6 lần mới đem vải đi phơi. Khi nào mảnh vải khô, nó lại được mang vào ngâm tiếp; cứ như thế khoảng 8-10 lần. Thời gian ngâm cho vải lên nước đen bóng phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Gặp kỳ nắng ráo, mỗi mảnh vải chỉ cần 3- 4 ngày là có thể nhuộm xong; nhưng nếu trời mưa, phơi vải lâu khô, khoảng thời gian đó có khi kéo dài tới 2 tháng.

Nghề dệt vải lanh của người Mông

Bên cạnh việc làm nương rẫy, ruộng nước, chăn nuôi… người Mông ở Sơn La có một số nghề thủ công truyền thống đạt kỹ thuật cao, mà đặc sắc hơn cả là nghề dùng sợi lanh để dệt vải. Theo lời kể của các cụ già, nghề dệt vải lanh đã hình thành từ rất lâu và được truyền lại qua nhiều thế hệ. Người Mông ưa chuộng vải lanh bởi nó có độ bền hơn hẳn vải bông. Ngoài ra, vải lanh còn có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Mông. Họ quan niệm rằng, sợi lanh là sợi chỉ dẫn đường cho linh hồn người chết về với tổ tiên, về đầu thai lại với con cháu.

Việc dệt vải lanh còn thể hiện sự khéo tay, chăm chỉ, đó là một trong những tiêu chí để đánh giá tài năng, đạo đức, phẩm chất và cách làm ăn của chị em phụ nữ. Vỏ cây lanh được tước ra thành từng sợi nhỏ và nối với nhau một cách khéo léo để không tạo thành mấu ở chỗ nối. Đây là việc làm đòi hỏi nghệ thuật nhẹ nhàng, kiên trì, nhẫn nại. Vì vậy, lúc nào phụ nữ Mông cũng tranh thủ tước và nối các sợi lanh kể cả lúc trên đường từ nhà lên nương và từ nương về nhà.

Đồng bào dân tộc Mông dệt vải trên khung cửi đơn giản, chỉ có hai thanh gỗ tiết diện 12cm x 12cm, dài 60cm đặt cách xa nhau khoảng 50cm. Giữa hai thanh gỗ đó có bốn thanh ngang nhỏ hơn ghép vào hai thanh đứng tạo thành khung cửi, con thoi để dệt khá to. Khi dệt người ta buộc chúng dựa vào cột nhà, người dệt ngồi trên ghế đẩu. Dệt được vải rồi, người ta đem nhuộm chàm dùng để may quần áo cho nam giới và vải không nhuộm chàm để may váy cho phụ nữ Mông trắng. Với phụ nữ Mông hoa thì họ vẽ sáp ong lên vải trắng những đường hoa văn hình học theo ý muốn sau đó mới đem nhuộm chàm. Sau khi nhuộm chàm xong họ thêu hoa, ghép vải hoa thành những hoa văn cầu kỳ. Mô típ hoa văn chủ yếu là những hình kỷ hà, hình chữ nhật, hình vuông, hình thoi, gam màu chủ yếu là xanh, đỏ, tím, vàng. Phụ nữ Mông đen thì dùng vải lanh nhuộm chàm đen để may váy, chăn, màn, tạp dề, khăn…

Truyền thống dệt lanh

Với người Hmông ở phía Bắc, cây lanh đã tích lũy cho bao thế hệ một truyền thống văn hóa trang phục hết sức phong phú. Gia đình người Hmông nào cũng có một nương trồng cây lanh. Họ coi cây lanh là biểu tượng của dân tộc mình, cây lanh gắn bó với họ suốt đời, người Hmông tự hào nói rằng: Ở đâu có cây lanh thì ở đó có người Hmông sinh sống. Bộ váy áo lanh của họ không chỉ là đồ mặc thông thường mà còn là tín hiệu để nhận biết cội nguồn. Phụ nữ Hmông đã tạo ra đủ loại hoa văn, màu sắc tươi thắm, trầm ấm trên bộ váy áo của mình. Họ biết kỹ thuật dệt hoa văn bằng sáp ong giống với kỹ thuật batik – một trong những loại vải truyền thống nổi tiếng của Indonesia.

Vải lanh không chỉ bền mà còn được biết đến là sản phẩm có lợi cho sức khỏe, không bị mốc, luôn tạo cho làn da sự thông thoáng mỗi khi mặc. Rồi cũng từ những tấm vải lanh óng ánh này, dưới bàn tay khéo léo, óc thẩm mĩ tinh tế của người phụ nữ vùng cao, họ đã tạo nên những bộ trang phục truyền thống với vô vàn hoạ tiết hoa văn đặc sắc.

Tổng kết

Học May hy vọng bạn đọc có thể tìm hiểu được nhiều thông tin bổ ích từ các bài viết của chúng tôi. Chúc bạn đọc một ngày tốt lành!

Rate this post

Bài viết liên quan