Kỹ sư Lê Duy-Loan: “Tôi yêu quê hương tôi, từ khi mới thành người”

Kỹ sư Lê Duy-Loan: “Tôi yêu quê hương tôi, từ khi mới thành người”- Texas Instruments (TI) là 1 trong 3 công ty điện tử lâu đời ở Mỹ bao gồm Texas Instruments (TI), IBM và Intel. Năm 2002, lần đầu tiên trong lịch sử hình thành và phát triển của TI, một người phụ nữ, một người Châu Á được vinh danh là Senior Fellow (tương đương với chức vụ Senior Vice President ở cấp bậc quản lý) – chức vị cao nhất trong nấc thang kỹ thuật ở Mỹ.  Người phụ nữ đó chính là kỹ sư Lê Duy-Loan. Năm 12 tuổi, cô bé Duy-Loan cùng gia đình đến Mỹ theo diện nhập cư với vỏn vẹn 100$ trong túi. Làm thế nào mà một người phụ nữ, ban đầu không biết một chút tiếng Anh, không tiền, không nhà, sau 27 năm có thể vươn lên trở thành một người phụ nữ quyền lực ở một trong những tập đoàn lớn nhất nước Mỹ là một điều vô cùng khó hiểu với nhiều người. Vietnam Journal of Science (VJS) sẽ cùng các bạn khám phá câu trả lời qua lời kể của chính nhân vật, kỹ thuật gia Lê Duy-Loan

Đôi nét về kỹ sư Lê Duy-Loan

  • Tốt nghiệp kỹ sư Điện ở Đại học Texas Austin năm 1982 khi mới 19 tuổi, lấy bằng MBA ở Đại học Houston năm 1989.
  • Ở Texas Instruments: Được bầu làm thành viên hội đồng kỹ thuật (Member of Technical Staff) năm 1990, thành viên cao cấp hội đồng kỹ thuật (Senior Member of Technical Staff) năm 1993, thành viên danh dự hội đồng kỹ thuật (Distinguished Member of Technical Staff) năm 1997, nhà nghiên cứu (TI  Fellow) năm 1999, nhà nghiên cứu thâm niên (TI Senior Fellow) năm 2002.
  • Thành viên Hội đồng quản trị của National Instruments, một công ty hàng đầu về đo đạc và kiểm nghiệm, được niêm yết trên sàn chứng khoán NASDAQ.
  • Thành viên hội đồng quản trị eSilicon Corp, một trong những công ty tư nhân hàng đầu về thiết kế và sản xuất trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn (semi-conductor).
  • Thành viên sáng lập/ Giám đốc danh dự của hội Science National Honor Society (SNHS).
  • Chủ nhân  24 bằng sáng chế, trong đó có 5 bằng sáng chế tiên phong (pionnering patent).
  • Đồng sáng lập 2 tổ chức phi lợi nhuận: Mona Foundation năm 1999 và Sunflower Mission năm 2002.
  • Diễn giả nổi tiếng, từng diễn thuyết ở các trường đại học uy tín như Cornell, Georgetown, University of Virginia, học viện quân sự West Point … các công ty lớn như Google, Facebook, Intel, Eli-Lily, Corning Glass …, diễn đàn Anita Borg, diễn đàn WITI (Women In Technology International) …

Phần 1: Những tháng ngày đầu ở Mỹ

Chào cô Duy-Loan, cảm ơn cô đã nhận lời mời phỏng vấn của chuyên mục Chân dung nhà khoa học của Vietnam Journal of Science (VJS). Trước tiên xin cô cho biết …

Xin lỗi cô ngắt lời em. Cô muốn đính chính một chút cô không phải nhà khoa học. Nhà khoa học là những người làm việc trong phòng thí nghiệm, nghiên cứu ra những kết quả mới và công bố trên tạp chí khoa học. Cô đơn thuần chỉ là người phát triển sản phẩm, vậy nên gọi cô là nhà khoa học thì không đúng lắm.

Vậy em có thể gọi cô là nhà sáng chế được không vì cô đã có 24 bằng phát minh (patent)?

Cô cũng không phải nhà sáng chế vì thực sự cô không tạo ra cái gì mới. Em cứ gọi cô đơn giản là kỹ thuật gia hay kỹ sư Lê Duy-Loan là được rồi.

Vâng, thưa kỹ thuật gia Lê Duy-Loan, cô là một người phụ nữ có sự nghiệp rất thành công, người phụ nữ đầu tiên được vinh danh là nhà nghiên cứu thâm niên (Senior Fellow) trong lịch sử 85 năm của Texas Instruments, sáng lập 2 tổ chức phi lợi nhuận và là tác giả của hàng chục bằng sáng chế. Vậy theo cô đâu là giá trị cốt lõi tạo nên những thành công ấy?

Người ta thường nói 12 năm đầu tiên của cuộc đời là 12 năm quan trọng nhất, định hình nhân cách, tư tưởng, quan điểm sống của cả một đời người. Cô có may mắn đó là 12 năm đầu đời cô được lớn lên ở Việt Nam, được ba cô dạy dỗ và nuôi nấng. Thời thơ ấu của cô cũng có nhiều kỷ niệm đẹp nhưng cũng nhiều cơ cực. Cô sinh năm 1962, thời kỳ đó quê hương mình còn đang chiến tranh, có những năm nhà cửa gia đình tan nát hết. Ba cô đã dạy cô đan những chiếc giỏ để bắt cá rồi phơi khô ăn dần. Khi dựng lại nhà, gia đình cô cũng không có tiền, vậy nên cô và các chị cô phải học cách xây từ các ông thợ, từ lát gạch đến quấy hồ. Rồi vài năm cuối của cô ở Việt Nam, ba cô chuyển từ Nha Trang vào Sài Gòn và mua một chiếc xe ô tô để chạy xe buýt. Lúc đó dù còn bé, cô đã phải dậy từ 5 giờ sáng, theo ba đi bán vé xe, rồi đến 1 giờ chiều lại đến trường đi học. Chính khoảng thời gian đó đã hun đúc cho cô một tính cách rất cứng rắn và độc lập, nhưng đồng thời cũng dạy cô biết cảm thông với những số phận kém may mắn hơn. Cô nghĩ rằng những thành công sau này được xây dựng nền móng từ 12 năm đầu tiên đó. Cô luôn biết ơn ông cụ thân sinh vì cụ đã dạy cô những điều cơ bản nhất của 1 con người, đặc biệt là người Việt Nam.

Cô thường nhắc đến 12 năm đầu đời, vậy năm thứ 13 trở đi thì như thế nào?

Năm cô 13 tuổi, có một sự kiện đã thay đổi cuộc đời cô cũng như nhiều triệu thanh thiếu niên thế hệ đó. Đó là sự kiện 30-4-1975. Cô và gia đình rời khỏi Việt Nam ngày 22/4/1975 với chỉ 100$ trong túi. Ba và anh hai cô thì không đi cùng gia đình được mà phải ở lại Việt Nam.

Rời bỏ đất nước, ngôi nhà và người ba thân yêu của mình là một điều không dễ dàng gì với một đứa con gái 12 tuổi. Lúc đó cô không có tiền, không có nhà, không biết một chữ Tiếng Anh nào, phải đến một đất nước xa lạ với nền văn hóa hoàn toàn khác. Và quan trọng nhất là gia đình thiếu vắng 2 trụ cột là ba và anh hai cô. Thật sự đó là một thời kỳ rất khó khăn với gia đình cô.

Cô đã vượt qua thời kỳ đó như thế nào?

Người Mỹ có một câu nói thế này: “What cannot kill you makes you stronger”, có nghĩa là cái gì không giết được bạn thì sẽ làm bạn mạnh mẽ hơn. Lớn lên trong những ngày tháng đen tối đó, cô đã nghĩ rằng, mình nhất định phải có gia đình, phải có nghề nghiệp và phải cống hiến lại cho xã hội. 3 điều đó sẽ trở thành 3 cạnh tam giác giữ cân bằng cho cuộc đời. Cô đã mơ ước cuộc đời mình như vậy. Vì thế, cô rất nhiều lần chia sẻ với mọi người xung quanh rằng: Ước mơ là khởi đầu của tất cả mọi thứ (Dreaming is the beginning of everything).

Trở lại với thời kỳ đó, khi gia đình cô mới sang Mỹ, mẹ cô không có nghề nghiệp gì hết. Sau đó, rất may mắn, một ông mục sư ở nhà thờ gần đó đã xin cho mẹ cô làm việc ở một công ty đóng hộp thịt lạnh. Hai chị cô cũng phải đi làm ở nhà hàng để kiếm tiền nuôi gia đình. Cô lúc đó còn bé quá nên không xin được giấy phép lao động nên được đi học. Lúc còn ở Việt Nam, cô đang học chương trình lớp  7 trường Trưng Vương. Khi qua Mỹ, do chưa biết tiếng Anh nên thay vì lên lớp 8, cô chuyển xuống học lớp 6 ở trường tiểu học Gordon Elementary ở Houston. Cô đã cố gắng học hành thật chăm chỉ để quen với ngôn ngữ cũng như với nền văn hóa tương đối khác biệt so với Việt Nam.

Hồi đó cô chơi bóng chày rất giỏi nên cô dễ kết bạn với đám trẻ ở trường. Cô đã vẽ rất nhiều, có lẽ để xua đi nỗi cô đơn trong lòng. Một lần, bà hiệu trưởng nhìn thấy những bức tranh đó và quyết định nhờ cô vẽ tranh trang trí cho dịp Noel của trường. Đó là giáng sinh đầu tiên của cô mà không có ba bên cạnh.

Một năm sau, cô được Câu lạc bộ Quốc tế Kiwanis trao giải Công dân của tháng. Bốn năm sau ngày lần đầu đặt chân đến Mỹ, ở tuổi 16 cô tốt nghiệp thủ khoa trường trung học (valedictorian) và được vinh danh năm 1979 bởi Hiệp hội học sinh trung học toàn nước Mỹ.

Làm thế nào cô có thể tốt nghiệp trung học ở tuổi 16 được?

Hồi đó cô học rất giỏi Toán và các môn khoa học tự nhiên. Vậy nên chỉ sau 1 năm thôi, cô đã đứng đầu lớp rồi. Học xong lớp 6, Cô muốn học lên lớp 9 luôn, nhưng các thầy cô ở đó không chịu. Lý do cũng dễ hiểu thôi, làm sao tiếng Anh của cô đủ giỏi để học văn học Mỹ, làm sao mà cô có căn bản đủ để nhảy liền 3 lớp như vậy! Thế là cô phải tìm đến một trường cấp 2 khác. Ở đó, các thầy cô giao hẹn là nếu không theo được thì phải xuống lớp 7 học. Cô chấp nhận và chỉ trong năm đó, cô đứng nhất toàn khối lớp 9. Năm 14 tuổi cô lên học lớp 10 và lúc đó cô bắt đầu đi làm phụ bếp ở một nhà hàng ban đêm để giúp gia đình. Vậy nên để tiếp kiệm tiền, cô quyết định thay vì học 3 năm thì học rút lại 2 năm. Mặc dù hồi đó rất bận rộn, vừa phải đi làm ban đêm, vừa phải kèm 2 em học, cô vẫn đạt danh hiệu thủ khoa toàn trường và được lên phát biểu trong lễ tốt nghiệp năm 1979. Khi rơi vào những hoàn cảnh khó khăn, nỗ lực, ý chí và quyết tâm luôn là chìa khóa giúp con người vượt lên và vươn tới thành công.

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, tại sao cô không chọn một ngành nhẹ nhàng hơn như Kinh tế hay Kế toán mà lại theo ngành kỹ thuật (Engineering)?

Ba cô rất kỳ vọng ở 3 người con gái của mình và mong muốn chị cả cô vào Y, chị hai vào Luật, còn cô thì theo ngành kỹ sư. Ở Việt Nam hồi đó để vào được trường kỹ sư Phú Thọ cũng không phải là chuyện dễ. Hai chị của cô khi qua Mỹ không được đi học. Vậy nên ban đầu ngành mà cô mơ ước là ngành y. Tuy nhiên lúc đó điều kiện kinh tế nhà cô quá khó khăn, ngành y lại phải học gần 10 năm mới được ra trường. Vậy nên cô đành gác lại ước mơ và chọn theo ngành kỹ thuật (Engineering).

Bởi vậy cô quyết định nộp đơn vào trường Đại học Texas Austin là một trường nổi tiếng về kỹ thuật hồi đó. Điểm SAT của cô hồi đó rất thấp, chỉ có điểm toán là cao chứ ngôn ngữ thì lẹt đẹt lắm. Sáng hôm đi thi thì tối hôm trước cô còn phải làm việc ở nhà hàng đến tối mịt, đâu có thời gian ôn tập gì đâu. Cũng may do cô tốt nghiệp thủ khoa Trung học nên được Đại học Texas Austin nhận thẳng vô luôn. Ban đầu cô thử sức với Kỹ thuật Hóa (Chemical Engineering) nhưng không hợp lắm. Sau đó cô chuyển qua ngành Kỹ thuật điện (Electrical Engineering) và theo đến khi ra trường. Cô tốt nghiệp ngành Kỹ thuật điện chỉ trong 3 năm cũng vì cô không có đủ tiền để trang trải hết 4 năm học trong khi gia đình cũng không giúp được gì. Tuy nhiên lần này cô chỉ đạt bằng ưu (Magna cum laude) chứ không phải bằng xuất sắc (Summa cum laude) như hồi trung học

Tại sao vậy cô?

Học kỳ cuối, cô bắt đầu yêu và hẹn hò. Việc đó thật ra khá là mất tập trung. Vậy nên, các bạn trẻ, nếu các bạn muốn có bằng xuất sắc, đừng hẹn hò gì thời kỳ đại học!

Nói đùa vậy thôi chứ thật ra cũng không có gì hối tiếc, cô tốt nghiệp năm 1982 trường Texas Austin, và được ghi tên trong cuốn National Dean’s list, xuất bản cùng năm. Cô ra trường tháng 5 thì tháng 6 bắt đầu đi làm ở Texas Instruments, mua xe, cùng người chị mua nhà cho mẹ tháng 8, mua nhà cho bản thân tháng 10, đính hôn tháng 11 và kết hôn tháng 12 năm đó.

Em rất ngạc nhiên khi cô ra trường đã được nhận vô Texas Instruments (TI) làm luôn. TI là 1 trong 3 công ty điện tử lớn của Mỹ bao gồm IBM, TI, và Intel. Nhiều người có bằng PhD cũng rất khó xin được vô làm trong đó. Tại sao khi đó mới 19 tuổi cô đã được công ty nhận làm?

Có lẽ hồi đó họ quá ấn tượng với một đứa con gái cá tính học ngành kỹ thuật. Thời đó khác với bây giờ, con gái theo ngành kỹ thuật chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi, vậy nên trong công ty rất ít phụ nữ. Lúc đó cô mới 19 tuổi, quá trẻ, và chẳng sợ bất cứ điều gì. Tất cả các vấn đề liên quan đến kỹ thuật, cô đều trả lời hết sức tự tin. Buổi phỏng vấn đầu tiên, cô gây ấn tượng mạnh đến mức sau đó TI đã cho cô công việc làm ngay. Không những gửi thư nhận vào qua đường bưu điện mà TI còn cho một nhân viên lâu năm đích thân đến tận nhà để đưa thư mời cô làm việc. Sau đó sợ cô không nhận nên TI còn gọi điện và đề nghị tăng lương so với mức lương ban đầu trong buổi phỏng vấn. Vậy nên cô chính thức gắn bó với TI từ đó cho đến giờ.

Phần 2: Senior Fellow ở Texas Instruments

Rời khỏi đất nước năm 12 tuổi, 7 năm sau, tốt nghiệp đại học và được nhận vào một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới thời kỳ đó. Điều đó giống như một giấc mơ với những người nhập cư …

Giấc mơ là khởi đầu của mọi thứ nhưng nếu không thật sự bắt tay vào thực hiện thì giấc mơ cũng mãi chỉ là giấc mơ. Cuộc đời cô cũng đã trải qua không biết bao nhiêu lần thất bại mới có được kết quả như bây giờ. Mỗi khi thất bại, cô lại nghĩ đến ba cô, đến 12 năm đầu ở Việt Nam, đến những ngày tháng đầu mịt mù ở Mỹ, cùng lòng tự hào Việt Nam. Cô thấy mình cần phải có trách nhiệm làm ba cô thật tự hào, làm vẻ vang cho đất nước, không hổ danh con người Việt Nam.

Cô có thể kể thêm về thời kỳ đầu khi cô mới vào làm trong TI được không?

TI thời kỳ đó có nhiều bộ phận nhưng 2 bộ phận lớn là Dynamic Random Access Memory (DRAM) và Digital Signal Process (DSP). Thời kỳ đầu ở TI, cô làm ở bộ phận DRAM. Thời kỳ đó bộ nhớ máy tính mới chỉ là 64Kb. Cô được giao thiết kế, mô phỏng, nâng cấp bộ nhớ lên các thế hệ tiếp theo như 128Kb, 256Kb, 1Mb, 16 Mb, 64Mb. Hồi đó chưa có máy tính cá nhân, tất cả mọi thiết kế đều phải vẽ bằng tay. Ban đầu cô chỉ được giao các nhiệm vụ kỹ thuật, sau đó dần dần cô được thiết kế và quản lý nhóm thiết kế (design manager) của DRAM. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu là nỗ lực của cả nhóm chứ không phải chỉ có mình cô.

Ngoài nhiệm vụ nghiên cứu phát triển sản phẩm, cô còn được TI cứ đến nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, để hỗ trợ sản xuất bộ nhớ (RAM). Chuyến công tác đầu tiên của cô là năm 1985 đến Nhật Bản. Thời kỳ đó, phụ nữ Nhật Bản không thường xuyên đi làm ở các tập đoàn lớn. Nếu có thì cũng chỉ là phục vụ trà nước hoặc lau dọn. Vậy nên, khi cô lần đầu tiên đến Nhật, các đồng nghiệp đã rất sốc khi nhìn thấy một người phụ nữ Châu Á nhỏ bé, quá trẻ và lại là kỹ sư và được gửi đến để huấn luyện họ. Vậy nên thời gian đầu giao tiếp giữa cô và các đồng nghiệp nam rất khó khăn. Khó khăn đến từ sự khác biệt tuổi tác, ngôn ngữ, giới tính, lịch sử, văn hóa … Cô quyết định là không thể kéo dài tình trạng này được. Do đó, cô dành 2 tuần để nói chuyện với các đồng nghiệp, về bất cứ thứ gì, trừ vấn đề công việc. Sau 2 tuần đó, họ hiểu thêm về gốc gác và những khó khăn của cô còn cô cũng hiểu thêm về lối suy nghĩ cũng như những cố gắng của họ. Từ sự cảm thông đó, cô dần nhận được sự tin tưởng của đồng nghiệp ở Nhật và bắt đầu nói về các vấn đề kỹ thuật. Mọi chuyện sau đó trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Chính những mối quan hệ đó đã giúp cô rất nhiều sau này.

Làm việc ở TI ban ngày, ban đêm cô cũng tranh thủ theo học bằng MBA ở trường đại học Houston (University of Houston) và lấy bằng năm 89. 7 năm sau khi gia nhập công ty, cô được thăng chức lên làm design manager, và một năm sau đó cô được bầu chọn vào vị trí đầu tiên trên nấc thang kỹ thuật của TI – Thành viên hội đồng kỹ thuật (Member of Technical Staff)

Công việc bận rộn như vậy, cô dành thời gian chăm sóc gia đình như thế nào?

Năm 1982 là một năm chạy nước rút của cô, cô làm tất cả mọi thứ trong 6 tháng từ tốt nghiệp đại học, mua nhà, mua xe, đi làm, kết hôn. Khi đó cô còn trẻ lắm, mới hơn 19-20 tuổi. Vậy nên cô nói với chú là cô muốn dành 10 năm để phát triển sự nghiệp, sau đó mới tính đến chuyện có con. Chồng cô hoàn toàn ủng hộ quyết định của cô.

Đứa con trai đầu lòng của cô ra đời ngày 30/8/1993, cô chú đặt tên là Đào Lê Quý Đan. Đứa con thứ 2, Đào Lê Quý Đôn chào đời ngày 22/2/1997. Cô chú chọn cho con mình một cái tên mà có thể đánh vần và phát âm gần giống nhau trong cả ngôn ngữ Mỹ và Việt vì muốn nhắc nhở hai bé sinh ra ở Mỹ nhưng cũng mang trong mình dòng máu Việt Nam. Để làm được vậy, cô chú phải dạy con cách kết hợp những giá trị cơ bản của văn hóa Việt Nam cũng như những gì tốt đẹp của nền văn hóa Mỹ. Đây là nhiệm vụ không hề đơn giản nhưng khi đã quyết định thì cô chấp nhận và cố gắng bằng tất cả sức lực và tâm trí của mình vì cô yêu 2 con hơn bất cứ điều gì khác. Vậy nên dù có bận đến mấy, cô vẫn ưu tiên dành thời gian bên cạnh, chăm sóc, dạy dỗ con. Cô đã rất may mắn vì có chú luôn bên cạnh và giúp đỡ cô rất nhiều.

Hồi cô còn bé, ba mẹ không bao giờ nói thương con. Cô chú quyết định sẽ không nuôi dạy con như thế hệ trước nữa. Bởi vậy, cô ôm hôn và nựng con rất nhiều. Tuy nhiên cô cũng rất nghiêm khắc trong việc dạy con. Ông sếp cũ của cô ở TI từng nói đùa với cô thế này: “Duy Loan, làm sếp của cô đã là một thử thách lớn rồi, Tôi không tưởng tượng được làm con của cô sẽ còn khó đến thế nào”. Mặc dù vậy, phải nói thật với em là dạy con khổ vô cùng, đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn, năng lượng cũng như tình yêu thương.

Có lẽ cũng bởi cô vừa kỷ luật vừa thương con nên cả 2 đứa con cô khi lớn lên đều rất ngoan, thông minh và có một trái tim nhân ái. Từ khi 2 đứa rất bé, cô đã cố gắng để cả 2 hiểu rằng khi được sinh ra với điều kiện tốt hơn, chúng phải phải có trách nhiệm lo cho chính bản thân mình, đóng góp lại cho thế giới và xã hội, cũng như giúp đỡ những người có hoàn cảnh kém may mắn hơn. Và điều mà cô luôn nhắc nhở hai con từ thuở lên ba là chúng phải có trách nhiệm với cả hai quốc gia Mỹ và Việt Nam

Để có thể cân bằng công việc, hoạt động xã hội và gia đình thật không phải dễ dàng gì. Rất may cô có sự giúp đỡ rất nhiều của chồng cô, người chị lớn Duy-Hoa, người đã giúp cô rất nhiều khía cạnh, người giúp việc hơn 22 năm mà cô coi như một người em trong gia đình, ông bà bác sỹ Bernard, người đã giúp cô đón các cháu từ trường học xa về trong nhiều năm. Nhiều bạn bè thân thuộc khi cô bận công việc quá đã đi chợ mua đồ đạc trong nhà thay cô. Đó là những sự giúp đỡ rất quan trọng mà nếu không có những người đó, cô không nghĩ mình có thể đi qua được từng ấy năm. Không có ai tài giỏi mà có thể làm tất cả một mình được hết, nhất là trong một xã hội như ở Mỹ.

Cô có thể giải thích rõ hơn về nấc thang kỹ thuật được không vì hệ thống này tương đối khác biệt ở Việt Nam?

Khi vào bất cứ một công ty nào em cũng sẽ thấy cách tổ chức công ty, nhân viên, phó phòng, trưởng phòng, phó giám đốc, giám đốc chi nhánh, tổng giám đốc. Ở các tập đoàn công nghiệp lớn ở Mỹ cũng như nhiều nước phát triển duy trì hệ thống dual ladder, một nhánh thì được thăng chức về quản lý, một nhánh khác thì được thăng chức về kỹ thuật. Ở TI có 5 mức thang về kỹ thuật:  Thành viên hội đồng kỹ thuật (Member of Technical Staff), thành viên cao cấp hội đồng kỹ thuật (Senior Member of Technical Staff), thành viên danh dự hội đồng kỹ thuật (Distinguished Member of Technical Staff), nhà nghiên cứu (TI  Fellow), và nhà nghiên cứu thâm niên (TI Senior   Fellow). Các chức danh này không phải được chỉ định mà phải có người đề cử và được bầu chọn qua 1 hội đồng chức danh của công ty. Hiện giờ thì cô vẫn là người Châu Á đầu tiên, người phụ nữ duy nhất, một trong những người trẻ nhất trong lịch sử 85 năm của TI được vinh danh là TI Senior Fellow. Đây là vị trí cực kỳ danh giá, chỉ dành cho những cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc về lãnh đạo và kỹ thuật cũng như có đóng góp đặc biệt cho sự cường thịnh của công ty. Năm 2002 khi cô được vinh danh là Senior Fellow, lúc đó chỉ có 4 người khác trong công ty từng có được vinh dự này. Có người đã nói đùa với cô là:” Duy Loan à, cô đã làm giảm đi tuổi trung bình của những người mang chức danh Senior Fellow rồi đó!”

Cô có thể nói rõ hơn về quá trình cô được bầu chọn là nhà nghiên cứu thâm niên được không?

Năm 1993 sau khi sinh đứa con đầu lòng, cô được đề cử vào nấc thang kỹ thuật thứ nhì của TI (Senior Member of Technical Staff). Năm 1997, khi sinh đứa con thứ hai, cô trở thành người phụ nữ đầu tiên ở TI được đề cử vào nấc thứ 3 của nấc thang kỹ thuật, Distinguished Member of Technical Staff. Khi đó cô đã rất gần với mức TI Fellows rồi, chỉ cần cố gắng thêm chút nữa thôi thì sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên được đề cử vào vị trí này. Mặc dù vậy, cuộc đời không bao giờ dễ dàng như vậy. Đúng lúc đó thì có một biến cố xảy ra và sự nghiệp của cô rẽ theo một hướng khác.

Lúc đó cô và cả team DRAM đang phát triển dự án bộ nhớ theo đúng tiêu chuẩn của PC 100. PC 100 là tiêu chuẩn đặc trưng cho khả năng bộ nhớ máy tính thời kỳ bấy giờ của Intel. PC 100 rất phổ biến cho các máy tính cá nhân đời cũ, các máy tính hồi cuối thập niên 1990 hầu hết đều sử dụng bộ nhớ của PC 100. Sau 16 năm nghiên cứu và phát triển, cô và nhóm DRAM cuối cùng cũng đã phát triển thành công bộ nhớ 64 MB cho PC 100. Intel đã công nhận, TI là một trong những công ty đầu tiên phát triển thành công bộ nhớ của PC 100. Với kết quả nghiên cứu đó, gần như chắc chắn cô sẽ được đề cử chức danh TI Fellow. Để cô nói rõ hơn một chút, đề cử (nominated) là một chuyện và có được chọn (elected) hay không lại là một chuyện khác. Tuy nhiên nếu không được đề cử thì sẽ không bao giờ được lựa chọn cả.

Mặc dù vậy, thị trường bộ nhớ máy tính lúc đó cạnh tranh rất khốc liệt. Ngoài các tập đoàn lớn ở Mỹ, TI còn phải cạnh tranh với nhiều công ty mới nổi từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Do đó, lãnh đạo TI đã quyết định sẽ bán toàn bộ bộ phận MEMORY mà trong đó có  DRAM để chỉ tập trung vào DSP thôi. Một công ty lúc đó tên là Micron muốn mua lại bộ phận DRAM của TI cùng kết quả nghiên cứu PC100. Ngoài ra, Micron còn có một điều kiện nếu các nhân viên ở DRAM được Micron mời làm việc thì không được làm cho TI ít nhất 2 năm. Với cô, nếu cô chuyển qua Micron, cô sẽ có mức lương rất cao cùng cổ phần và nhiều hậu đãi thời kỳ bấy giờ. Đặc biệt sự nghiệp của cô sẽ theo đà thăng tiến lên thêm.

Có phải từ đó cô bắt đầu sự nghiệp với Micron?

Không, cô chưa bao giờ nhận lời đề nghị đó. Vì nếu đi theo Micron, dù có nhiều ưu đãi nhưng cô và cả gia đình sẽ phải chuyển khỏi Houston. Điều đó có nghĩa là cô sẽ phải mang 2 đứa con cô rời khỏi gia đình, họ hàng và quan trọng nhất của nền văn hóa Việt Nam. Cô muốn 2 đứa con cô sẽ được lớn lên cạnh ông bà, cô dì chú bác và các anh chị em họ, bạn bè Việt Nam. Cô muốn chúng sẽ mang Việt Nam trong trái tim của mình, được sống trong môi trường Việt Nam dù chúng sinh ra ở Mỹ. Cô quyết định bỏ tất cả những tước hiệu, cổ phần ở TI, sự nghiệp mà cô đã theo đuổi 16 năm để 2 đứa con cô được có cơ hội nuôi dưỡng trong nền văn hóa Việt Nam.

Từ bỏ TI trong lúc đang có nhiều cơ hội đến như thế, cô có lo rằng mình tìm việc khác sẽ khó khăn không?

Có chứ. Lúc đó tìm việc đâu phải dễ. Tuy nhiên trước khi tìm việc mới, cô quyết định nói chuyện với TI thêm một lần nữa. Cô đến gặp phó chủ tịch của TI nói tất cả mọi chuyện và nhờ ổng sắp xếp làm sao để cô không được nhận lời mời của Micron. Đôi lúc nghĩ cũng buồn cười: mọi người trong trường hợp đó chỉ mong sao được Micron gọi, còn bản thân cô thì lại làm sao để không có lời mời đó. Sau đó, cô bắt đầu đi phỏng vấn với Compaq.

Không lâu sau, tin cô phỏng vấn với Compaq lộ ra ngoài, cô nhận được một cú điện thoại từ bộ phận Digital Signal Process (DSP) của TI. Họ đề nghị cô ở lại TI, nhưng chuyển qua bộ phận DSP. Mặc dù cùng là một công ty, DRAM và DSP là 2 lĩnh vực hoàn toàn khác nhau và lúc đó cô không có xíu khái niệm gì về DSP. Cô đồng ý ở lại TI, tuy nhiên 16 năm kinh nghiệm của cô bỗng chốc tan thành mây khói.

Lúc đó thật sự cô rất buồn. Nhưng dù thế nào, cô cũng quyết tâm phải làm lại từ đầu. Ngày đầu của cô ở DSP, ông phó giám đốc của DSP đến nói chuyện với cô về công việc mới. Ban đầu, ông ấy chỉ định chào hỏi trong 30 phút, tuy nhiên sau đó cuộc nói chuyện kéo dài tới 3 tiếng. Ông ấy đã hỏi cô rất nhiều, từ chuyện 16 năm qua đã thế nào đến chuyện TI quyết định bán DRAM cho Micron, đến việc tại sao cô không đi theo Micron như tất cả bạn bè khác. Sau khi nghe tất cả những câu chuyện của cô, bất ngờ ông ấy hỏi:

-“Duy-Loan, cô nghĩ sao nếu tôi đề cử cô với hội đồng chức danh danh hiệu TI Fellow”

Cô rất bất ngờ nên chỉ cười và nói

-“Tôi không nghĩ thế đâu Mike. Đề cử một người như vậy sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng riêng của ông nếu người đó không thắng cử”

Mike không nói gì và đi về phòng. Mấy hôm sau cô nhận được điện thoại của ông ấy:”Duy Loan, hội đồng xét chức danh đang tới, cô cần chuẩn bị các giấy tờ cần thiết để tôi đề cử vào cương vị TI Fellow”.

Nhưng cô không thật sự chuẩn bị gì hết. Tại sao vậy? Vì cô nghĩ cô chỉ là đứa trẻ với DSP. Lý do gì mà DSP lại phải đề cử cô? Chức danh TI Fellow là một chức danh rất danh giá với tất cả những người nghiên cứu nói chung. Cô đã nghĩ rằng cô sẽ làm tiếp thêm 10 năm, 20 năm nữa để cuối cùng người ta phải công nhận những nỗ lực và kết quả của mình, rồi sau đó được đề cử thì có lẽ sẽ đúng hơn. Người Mỹ có câu: “Respect is earned, not entitled”, cô rất tôn trọng câu nói đó!

Có bao giờ cô hối hận vì quyết định đó không?

Cô vẫn nhớ rõ lắm, ngày 30/12/1998, cô ngồi một mình trong phòng làm việc ở nhà và nghĩ lại tất cả những gì đã xảy ra trong năm qua, một năm có quá nhiều thay đổi. Thật sự lúc đó cô không cảm thấy tự hào mà cô thấy một chút hối tiếc. Cô đã có cơ hội không thể tốt hơn, nhưng rồi cô lại từ chối. Người ta làm cả một đời chỉ mong có ngày mình được đề cử vào TI Fellow, còn cô được đề nghị thì lại không làm. Cô cảm thấy rất buồn và trống rỗng. Cô với tay lấy một ly nước rồi đi xuống gặp chú. Dù lấy nhau gần 20 năm nhưng đây là lần đầu tiên cô tâm sự với chú về công việc. Chú không nói gì chỉ ôm cô vào lòng và nói:”Chuyện gì đến thì sẽ phải đến thôi em”.

Lúc lên lại phòng, cô nhận được một email từ Mike gửi đến Gene, điều phối viên hội đồng chức danh. Email Mike gửi cho Gene rồi bcc cô: “Gene, tôi muốn đề cử Duy-Loan trong lần xét chức danh TI Fellow này. Tôi biết đã quá hạn nộp hồ sơ nhưng đây là một trường hợp rất đặc biệt. Ngoài ra cô ấy rất cứng đầu. Tôi cần ông và Duy-Loan làm việc chăm chỉ để hoàn thành tất cả thủ tục giấy tờ trước khi hội đồng chức danh xét duyệt. Tôi sẽ công khai xin hội đồng thêm 2 tuần nữa.”

Thật sự lúc đó cô không biết phải nói sao với Mike nữa. Chỉ còn 2 tuần trước khi hội đồng chức danh xét duyệt và lần này cô phải làm thật sự nghiêm túc, với một đống giấy tờ, hồ sơ phải viết và ký …Trong quá trình đề cử chức danh Nhà nghiên cứu, cô còn vinh dự hơn khi biết một phụ nữ khác, một trong những người sáng lập bộ phận DSP cũng được vinh danh làm Fellow trong năm đó. Cuối cùng cô vừa kịp xong toàn bộ hồ sơ giấy tờ vừa vặn trước lúc hết hạn. Năm đó, cô được bầu chọn là Nhà nghiên cứu của TI (TI Fellow).

Sau khi trở thành Nhà nghiên cứu, công việc của cô ở DSP thế nào?

TI đã trao cho cô dự án 6203, cũng là dự án đầu tiên của TI để tiến vào thị trường điện thoại di động. Dự án đó kết hợp 4-5 dự án nhỏ hơn mà TI lần đầu làm và một trong những dự án nhỏ đó là phải có một con chip vừa là DSP, vừa có nhiều bộ nhớ trong đó. Cô chịu trách nhiệm tất cả các khâu từ thiết kế, nghiên cứu đến phát triển sản xuất. Tuy nhiên, vấn đề chính là cô lại không có nhiều kiến thức gì về thiết kế của DSP vì 16 năm đầu chỉ chuyên làm về bộ nhớ (memory).

Lúc đó, với những người ở DSP, người quản lý và người thiết kế không liên quan gì đến nhau. Những người thiết kế cho rằng người quản lý không biết gì về công việc thiết và tốt nhất nên đứng bên ngoài. Cô thì hiểu rằng nếu không hiểu tận gốc công việc thì không thể lãnh đạo được họ.

Lúc đó, toàn bộ DRAM đã được bán đi, tất cả những gì cô còn chỉ là mối quan hệ với các nhà sản xuất. Điều khó khăn nhất với DSP lúc đó là DSP chưa từng có kinh nghiệm sử dụng con chip DSP để phát triển công nghệ silicon. Cô quyết định bay sang Nhật, gặp lại những đồng nghiệp cũ và nhờ giúp đỡ nhất là về khía cạnh bộ nhớ. Rất may mắn, những người bạn Nhật đã giúp đỡ cô rất tận tình. Nhờ những mối quan hệ cũ, cô đã thực hiện dự án rất thành công, 3 năm sau, cô đã vô cùng ngạc nhiên khi Gene lại đến báo với cô: “Duy Loan, Mike muốn đề cử cô vào chức vị TI Senior Fellow. Biết tính cô cứng đầu nên Mike đã “ra lệnh” cho tôi là phải làm tất cả hồ sơ giấy tờ. Nhưng tôi vẫn rất cần sự hợp tác của cô”. Vì quý tấm lòng của Mike và biết là Gene hết mực ân cần nên mới nói vậy, cô đã bớt ương ngạnh và hợp tác một cách vui vẻ với Gene. Trong lịch sử 85 năm của TI, cô là người Châu Á đầu tiên, người phụ nữ duy nhất và là một trong những người trẻ nhất được đề cử danh hiệu này.

Sau thành công với DRAM và DSP, cô có thể kể thêm vài dự án nào khác không?

Sau đó, cô đảm nhận vị trí Giám đốc phát triển công nghệ toàn cầu của TI (World Wide Advanced Technology Ramp Manager), tập trung vào các sản phẩm của DSP với các công nghệ silicon tiên tiến nhất. Cô phát triển chip single core DSP 1GHz, được ghi vào kỷ lục Guinness năm 2004 về tốc độ. Hiện cô có 24 bằng sáng chế (patent), với 5 bằng là pionnering patent, tức là các bằng sáng chế tiên phong trong lĩnh vực bán dẫn (semi-conductor) và 8 bằng đang xét duyệt. Cô cũng muốn nói thêm một điều rằng tất cả các bằng sáng chế là cùng sáng chế với đồng nghiệp. Những dự án cô lãnh đạo đều là những dự án lớn, mất 2-3 năm cũng như tốn hàng chục nếu không nói đến cả trăm triệu đô để hoàn thành. Do là công lao của cả tập thể nên khi nộp đơn đăng ký bằng sáng chế thì lúc nào cô cũng đề tên mình cùng những đồng nghiệp chính.

Phần 3- Các hoạt động xã hội

Hồi đầu cô có nói có 3 cạnh tam giác làm cân bằng cho cuộc sống đó là gia đình, công việc và các hoạt động xã hội. Cô đã kể về gia đình và sự nghiệp. Bây giờ chúng ta hãy nói về cạnh thứ 3 của tam giác đó là các hoạt động xã hội. Tại sao cô lại tham gia các hoạt động xã hội?

Trong một chuyến đi rất mệt để xem xét các ngôi trường ở Haiti năm 2010, ngồi trên máy bay và nghĩ về các việc đã qua, cô thấy rằng cô làm những việc đó không chỉ cho bọn trẻ mà còn cho chính bản thân cô nữa. Cô đã có một cuộc sống rất tuyệt vời, một ngôi nhà đẹp, lái những chiếc xe đắt tiền, ăn uống ngon miệng hàng ngày,  công việc mơ ước và gia đình hạnh phúc. Sống trong một khung cảnh như vậy rất dễ làm cho con người chúng ta kiêu căng tự đại cho rằng mình giỏi hơn người! Thật ra ở đời hơn nhau đôi lúc chỉ vì may mắn có cơ hội mà thôi! Những công việc xã hội giúp cô không quên rằng trước kia mình cũng không hơn gì hơn những đứa trẻ kia. Cô nghĩ rằng khi mình đã nhận được quá nhiều thì cần phải tìm cách trả lại cuộc đời.

Một lý do khác đó là cô có niềm tin mạnh mẽ vào giáo dục. Giáo dục là chìa khóa giúp các em sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn có cơ hội vươn lên thoát nghèo và giúp đỡ những người kém may mắn hơn. Có thể đôi khi cuộc đời lấy đi của em nhiều thứ nhưng không thể cướp lấy kiến thức trong bộ não của em được. Nhưng chúng ta phải nhớ một điều giản dị là giáo dục bao gồm cả việc học kiến thức lẫn đào tạo nhân cách, đạo đức. Không có gì đáng sợ bằng một người thông minh, tài năng mà không có trái tim. Vậy nên nhiều khi cô chia sẻ với những bạn đã hoặc đang theo chương trình nghiên cứu sinh rằng: 10 bằng tiến sỹ không quan trọng bằng 5 chữ Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí và Tín.

Cô có gặp khó khăn khi vừa hoạt động xã hội vừa phải làm các công việc ở TI?

Năm 2002, khi công việc Mona Foundation ở hơn 10 quốc gia quá bận và cô lại muốn thành lập Sunflower Mission để đóng góp riêng cho Việt Nam, cô đã có ý định nghỉ việc ở TI để tập trung vào fund raising và PR. Tuy nhiên, TI rất thông minh trong việc sử dụng con người. Ông chủ của cô đã nói với cô thế này: “Ok, Duy Loan, chúng tôi biết cô đang có những dự án riêng. Vậy nên chúng ta hãy thỏa thuận thế này. Từ đây, TI sẽ để cô có thể làm bất cứ điều gì cô muốn.:  Muốn đi đâu thì đi, không cần xin phép, muốn làm gì thì làm … Trong khi đó, cô vẫn đảm bảo các công việc ở TI. Đồng thời TI sẽ đóng góp về tài chính lúc ban đầu để giúp cô đỡ bận tâm phần nào khi thành lập Sunflower Mission.”. Họ đã đánh rất đúng vô điểm yếu của cô vì với cách đối xử như vậy, làm sao cô có thể bỏ TI được. Vậy nên cô đã cố gắng hết sức để có thể cân bằng giữa công việc ở TI và các hoạt động xã hội. Hai thập niên qua đã đòi hỏi nơi cô rất nhiều từ sức lực đến tinh thần. Cô rất mừng là Ông Trời đã cho cô sức khỏe và ý chí kiên cường để vượt qua tất cả, giữ vững gia đình và nuôi nấng hai em Quý Đan và Quý Đôn nên người.

Cô có thể nói thêm về các hoạt động của cô được không?

Năm 1999, có 1 người bạn là Dr. Javid rủ cô cùng thành lập một tổ chức phi lợi nhuận (NPO) hỗ trợ cho các bé gái ở Nam Phi. Cô rất thích ý tưởng này nhưng tiếc là lúc đó ba cô bệnh nên không có thời gian để làm cùng bà ấy. Năm 2000, ba cô qua đời và cô có nhiều thời gian hơn nên bắt đầu xây dựng Mona Foundation cùng Javid.  Đối tượng của Mona Foundation là các bé gái ở các nước kém phát triển. Tại sao lại là các bé gái? Kinh nghiệm làm việc ở nhiều nền văn hóa khác nhau cho cô thấy rằng nếu cho đàn ông tiền thì phần nhiều các ông sẽ đem đi đánh bạc hoặc rượu chè. Ngược lại, nếu cho tiền phụ nữ thì họ sẽ dùng tiền đó để chăm sóc, giúp đỡ gia đình. Các bé gái sau này sẽ trở thành những người phụ nữ chăm lo cho cả gia đình. Nếu muốn thay đổi cả một thế hệ, tốt nhất là nên đầu tư cho các bé gái. Trong 17 năm qua, Mona Foundation đã tạo ra và trao tặng cơ hội giáo dục cho hơn 150,000 trẻ em trên 18 quốc gia trên thế giới.

Năm 2002, cô và một số người bạn cùng nhau lập ra tổ chức Sunflower Mission (SM), tượng trưng cho hy vọng, niềm tin và ánh sáng. Lúc thành lập SM, cô đặt ra mục tiêu rất đơn giản thôi, trong 10 năm, gây quỹ được 1 triệu đô, giúp xây được 100 lớp tiểu học, trao 10,000 học bổng cho các em ở những vùng nghèo nhất ở Việt Nam và giữ chi phí vận hành nhỏ hơn 3%. Đến giờ sau hơn 13 năm, SM đã xây được 144 lớp học (hiện giờ đang xây thêm 5 lớp) và trao hơn 15,000 học bổng mà trong đó 388 em đã tốt nghiệp đại học. Chi phí vận hành của tổ chức là 0.83% trong 13 năm qua (nhiều NPO của Mỹ chi phí vận hành lên tới 20-30%).

SM có ba chương trình học bổng: 1- tiểu học qua đến trung học (chỉ cần các em đến trường), 2- Đại học (bất cứ ngành gì), điều kiện chỉ cần điểm tối thiểu nhưng thiếu thốn về vật chất và 3- Đại học về các ngành kỹ thuật và công nghệ (engineering and technology hay nói tắt là E&T). Trong 3 chương trình này thì học bổng E&T rất khó khăn để được nhận.  Để được nhận học bổng E&T, các em sẽ phải viết bài luận theo tiêu chuẩn Mỹ và được chấm bởi các kỹ sư chuyên nghiệp ở Mỹ, sau đó được các kỹ sư trong ngành phỏng vấn về kiến thức kỹ thuật. Bước tiếp theo, các em sẽ đến vòng phỏng vấn về khả năng lãnh đạo và hoài bão giúp đời. Sau khi trải qua được hết 3 vòng đó thì các em mới được nhận học bổng E&T. Có em đã nói với cô là muốn nhận được học bổng E&T của SM còn khó hơn là đi xin việc làm! Ngoài ra, các em học giỏi chưa ra trường sẽ được nhận các cơ hội thực tập còn những em xuất sắc sắp tốt nghiệp sẽ được công ty mà cô hợp tác cùng nhận vào làm. Mỗi năm SM tổ chức một buổi trao học bổng ở Đà Nẵng và Sài Gòn, cha mẹ của những em xuất sắc nhất sẽ được mời đến tham dự cùng. Trong buổi đó, không chỉ trực tiếp bay về Việt Nam, cô còn mời một vài người bạn cô là CEO hay giám đốc điều hành của các công ty nổi tiếng cùng tham gia giao lưu. Chưa nói ở Việt Nam, ngay cả các em học sinh Mỹ muốn có cơ hội gặp CEO của một tập đoàn lớn có phải dễ đâu. Tuy nhiên cô cố gắng thuyết phục những người đó tham gia cùng SM vì cô muốn cho các em học sinh nghèo ở Việt Nam thấy những người thành công thực sự, bằng xương bằng thịt. Và từ đó, các em sẽ nuôi dưỡng đam mê, khát khao, dám ước mơ và dám theo đuổi.

Tại sao cô lại xây trường tiểu học mà không phải là trường trung học hay đại học?

Như cô đã chia sẻ ở trên giáo dục, thật ra không phải chỉ là đến từ trường học. Tất nhiên, kiến thức cũng quan trọng, nhưng đạo đức còn quan trọng hơn rất nhiều. Ông bà ta đã dạy rồi: Tiên học Lễ, hậu học Văn, trước tiên phải học làm người trước, rồi sau đó mới đến học làm quan. Mà nếu đợi đến lúc lớn rồi mới rèn đạo đức thì muộn mất. Do đó, cô đã quyết định bắt đầu từ tiểu học và tất cả ngôi trường của SM xây dựng đều có khắc 6 chữ “Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn” ở trên. Những em tiếp tục lên trung học sẽ được ưu tiên học bổng và nếu hoàn thành tốt khóa học sẽ được xét tiếp học bổng lên đại học.

Ngoài việc xây lớp học, phát học bổng, SM còn làm work camp hầu như hàng năm. Điều ý nghĩa lớn nhất đối với cô đó là nhìn thấy tình cảm gắn kết của các em sinh ra bên này với quê hương mình, cụ thể nhất là qua hai đứa con cô. Các hoạt động của SM hoàn toàn là tự nguyện. Kể cả các con cô, khi về Việt Nam cũng phải tự trả tiền để mua vé máy bay. Mà về Việt Nam cũng có phải sống sung sướng gì đâu, phải vác đất đá, trộn hồ, sơn trường giữa trưa nắng chang chang. Mấy năm sau nhiệm vụ của các em còn nặng nề hơn nữa vì phải tổ chức thêm LEGO Robotic workshop cho học sinh và giúp các bác sĩ khám bệnh cho người dân trong xã . Vậy mà tất cả các em tham gia chương trình đều rất vui vẻ và nhiệt tình. Đó là tầm nhìn của cô: Qua việc tham gia các hoạt động tình nguyện, work camp của SM, các em ở Việt Nam sẽ hiểu thế nào là hai chữ “tình người” và “tấm lòng thương yêu bao bọc lẫn nhau” khi tiếp xúc, gần gũi và nhìn thấy các em bên Mỹ làm việc vất vả, nhễ nhại mồ hôi để  hoàn tất ngôi trường cho các em. Từ đó cô tin rằng các em khi lớn lên sẽ không dốt nát, hẹp hòi hay độc ác mai sau. Còn các em sinh ra bên Mỹ sẽ học được kỹ năng lãnh đạo và giúp các em có một trái tim nhân hậu biết làm đẹp cho đời. Về lâu dài, các em sẽ hình thành tình yêu với dân tộc, với quê hương mình. Thế hệ cô cũng như thế hệ trước cô có điều kiện tiếp xúc với văn hóa Việt Nam, với Tiếng Việt nên có thể cảm nhận được câu hát của Phạm Duy:” Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời”. Nhưng thế hệ con cô không có nhiều cơ hội tiếp cận với Tiếng Việt và cảm nhận được Tính Việt. Qua những hoạt động tình nguyện này, cô hy vọng rằng con em chúng ta có thể nói lên được câu mà cô đã tự dạy mình: “Tôi yêu quê hương tôi, từ khi mới thành người”. Và rồi mãi mấy chục năm sau, người Việt dù có rải rác khắp năm châu bốn bể cũng sẽ không ngại ngần gì khi xác nhận: “Mẹ ơi, con là người Việt Nam. Con da vàng với dòng máu h

Em rất xúc động vì những tình cảm mà cô dành cho đất nước và con người Việt Nam. Em tin rằng cô là tấm gương, không chỉ với các bạn trẻ Việt Nam sinh ra ở Mỹ mà còn cả các bạn trẻ trong nước. Cô có lời khuyên nào cho các bạn trẻ ở Việt Nam, đặc biệt là các bạn nữ muốn thành công trên con đường kỹ thuật như cô?

Xã hội Việt Nam rất khác Mỹ, do đó những trải nghiệm của các bạn trẻ bây giờ có thể cũng khác cô. Tuy nhiên để thành công, nhìn chung cũng có những quy tắc giống nhau. Cô muốn chia sẻ với các bạn trẻ Việt Nam những điều sau đây. Thứ nhất, tất cả mọi thứ đều khó khăn ở bước đầu tiên. Vì vậy ban đầu thất bại, đừng vội nản vì đó là chuyện bình thường. Người thành công khác người thất bại ở chỗ người thành công thất bại nhiều lần hơn người thất bại. Thứ hai, đừng bao giờ từ bỏ ước mơ của mình. Em hãy nhớ lý do tại sao mình lại làm việc này và dù mọi thứ có khó khăn thế nào đi nữa, hãy luôn trung thành với lý tưởng ban đầu. Có thể mình sẽ phải đi đường vòng trước khi đến được mục tiêu nhưng hãy cứ tiếp tục bước đi và luôn giữ điều mình muốn làm trong tim. Thứ ba, hãy làm việc gì đó để giúp người, giúp đời vì đơn giản đó là một việc đúng để làm chứ không phải vì muốn được trả ơn cho việc làm đó. Và cuối cùng, đừng bao giờ làm việc gì đó một mình. Em cần sự giúp đỡ của nhiều người để cùng biến ước mơ thành sự thật. Và dĩ nhiên, không bao giờ được quên ơn những người đã giúp mình.

Đối với các em nữ, cô muốn nói thêm mấy điều này. Thứ nhất, có khát vọng là tốt nhưng đừng nên quá tham vọng. Phụ nữ tham vọng thường không bằng lòng với những gì mình có và dễ dẫn đến mất cân bằng chuyện gia đình. Thứ hai, đằng sau sự thành công của một người đàn ông là bóng dáng của một người phụ nữ; đằng sau sự thành công của một người phụ nữ là một người đàn ông vĩ đại. Đàn ông Việt Nam thường có thói quen đi làm về chỉ đọc báo, đợi vợ nấu cơm, ăn xong lại xem tivi rồi để vợ rửa bát. Trong khi đó, phụ nữ cũng phải đi làm, lấy đâu thời gian và năng lượng để làm tất cả mọi việc như thế. Rất khó để có thể thay đổi một người đàn ông. Vì vậy, việc quan trọng nhất cho thành công của một người phụ nữ, đó là lựa chọn người bạn đời phù hợp, người mà có thể cùng nhau xây dựng cuộc sống gia đình. Một người con trai giàu có, bảnh trai, hào hoa… dĩ nhiên ai cũng muốn! Nhưng nếu trái tim không rộng lớn, tư cách thấp hèn và chỉ muốn người khác theo ý mình thì đừng nên đụng đến. Điều thứ 3, các em cần phải tin tưởng và trung thực với người bạn đời của mình. Cô làm việc trong môi trường toàn đàn ông, phải đi công tác nhiều chuyến với những người rất thành đạt, đẹp trai, giàu có. Nếu cô và chồng cô không tin tưởng và tôn trọng nhau thì gia đình chắc tan vỡ từ lâu rồi. Điều cuối cùng đó là đừng quá nuông chiều con. Nhiều người vì quá thương con mà điều gì cũng làm thay, dẫn đến đứa bé chỉ biết dựa dẫm vào mẹ. Điều quan trọng nhất là phải làm sao dạy cho con cái biết cách tự lập, tự chăm lo bản thân, có trách nhiệm với xã hội và biết yêu thương đồng loại từ khi mới chập chững lên ba.

Thay mặt Vietnam Journal of Science, em xin cảm ơn cô vì những chia sẻ sâu sắc về con đường sự nghiệp cũng như những lời khuyên quý giá để thành công. Em tin rằng câu chuyện của cô sẽ truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ, đặc biệt là các bạn nữ có thêm sức mạnh trên con đường của mình. Em xin kính chúc cô thật nhiều niềm vui và sức khỏe để có thể thực hiện những dự định ý nghĩa của mình.

Tổng kết

Học may hy vọng bạn đọc có thể tìm hiểu được nhiều thông tin bổ ích từ các bài viết của chúng tôi. Chúc bạn đọc một ngày tốt lành!

Rate this post

Bài viết liên quan