[ Mới 2022] “Áo dài” Việt Nam đã phát triển như thế nào?

“Áo dài” Việt Nam đã phát triển như thế nào? – Như chúng ta đều biết, trang phục truyền thống của mỗi quốc gia chính là biểu tượng hàng đầu để quảng bá hình ảnh về đất nước, văn hóa và con người một cách chân thực và sinh động nhất. Mỗi nền văn hóa khác nhau sẽ có những quan điểm, cách nhìn nhận và cách đánh giá cái đẹp là khác nhau. Hãy cùng Học May tìm hiểu nhé!

Áo dài là biểu tượng vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam

“Áo dài” Việt Nam đã phát triển như thế nào?

Đối với Việt Nam, vẻ đẹp của người phụ nữ luôn được cho là hằng số bất biến trong mọi thời đại. Đó là nét đẹp từ sự duyên dáng, dịu dàng e ấp, nhẹ nhàng kín đáo, đôi khi là một chút mộng mơ, đôi khi là sự thẹn thùng bẽn lẽn nhưng vẫn đầy quyến rũ. Áo dài chính là biểu tượng hoàn hảo để thể hiện tất cả những nét đẹp ấy. Không giống như Kimono của Nhật Bản, Hanbok của Hàn Quốc hay Sari-trang phục truyền thống của phụ nữ Ấn Độ, người mặc không cần tốn nhiều thời gian, lại đơn giản, gọn gàng, duyên dáng mà thanh lịch, có lẽ chính vì vậy mà áo dài – trang phục truyền thống đã “len lỏi” vào cuộc sống hằng ngày của phụ nữ Việt một cách tự nhiên và dễ dàng. Không gì đẹp mắt và thanh bình cho bằng khi mỗi sáng từng nhóm nữ sinh trong bộ đồng phục áo dài trắng thướt tha đổ về các cổng trường. Xuất hiện ở khoảng thế kỷ thứ XVII, áo dài đã trải qua rất nhiều thời kỳ và giai đoạn chuyển biến khác nhau để có thể có được vẻ đẹp như ngày nay.

Áo giao lãnh ở Việt Nam

Đầu tiên, phải kể đến “Áo giao lãnh” ở thế kỷ XVII. Đây là một loại áo rộng, xẻ hai bên hông, dài tay, cổ tay cũng may rất rộng. Thân áo dài chấm gót chân và may bằng năm đến sáu tấm vải, không phân biệt giới tính. Theo thư tịch cũ minh họa thì đàn bà mặc áo phủ ngoài. Bên trong là yếm trên ngực, phía dưới bụng quấn váy tơ đen, buộc bằng thắt lưng nhuộm màu, hai đầu buông thả. Hai vạt áo để mở. Đàn ông cũng mặc áo ra ngoài quần hay khố nhưng vạt bên trái được kéo chéo qua ngực và bụng rồi buộc vào bên phải. Dù chỉ là sơ khai của áo dài nhưng ta đã thấy được những nét nhẹ nhàng, duyên dáng được toát ra bên ngoài.

Áo tứ thân Việt Nam

Tiếp theo là sự ra đời của “Áo tứ thân” từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX. Áo tứ thân gồm hai mảnh phía sau may lại giữa sống lưng, mép nơi hai thân áo được dấu vào phía trong, hai thân trước được buộc lại với nhau để thõng xuống thành hai tà áo ở giữa, nên không cần cài khuy khi mặc. Đi cùng với chiếc áo tứ thân phải có chiếc yếm, khăn mỏ quạ, nón quai thao. Hình ảnh đó được giữ cho đến tận bây giờ ở những ‘liền chị’ quan họ vùng Kinh Bắc. Có rất nhiều lý giải khác nhau về thiết kế bốn mảnh của áo tứ thân. Có thể cho rằng kỹ thuật dệt ngày xưa còn khá thô sơ, chỉ dệt ra loại vải có khổ hẹp (khoảng 40 cm) nên muốn may thành một chiếc áo phải ghép 4 mảnh lại với nhau. Sự chuyển biến từ áo giao lãnh sang áo tứ thân dường như chưa thực sự biến đổi nhiều, nhưng vẫn đều mang đến cảm giác nhẹ nhàng, duyên dáng cho người mặc.

Áo ngũ thân Việt Nam

Sau áo tứ thân là sự tiếp bước của “Áo ngũ thân”. Giống như cái tên của nó, áo ngũ thân có cấu tạo gồm năm vạt chứ không còn bốn vạt như áo tứ thân trước. Sự thay đổi này chứng tỏ cho sự khác biệt về địa vị cũng như giai cấp ở xã hội thời đó. Tầng lớp quan lại và quý tộc sẽ mặc áo ngũ thân để khẳng định địa vị của mình so với dân thường mặc áo tứ thân. Áo ngũ thân vẫn  có 4 vạt như áo tứ thân, được may liền nhau thành hai tà trước và sau như áo dài. Tuy nhiên, điểm khác biệt là ở dưới tà trước là vạt áo thứ 5 giống như mảnh áo lót kín đáo và áo có cổ cũng như phom áo khá rộng.

Áo dài Lemur

Sự chuyển biến tiếp theo là “Áo dài Lemur” (1939 – 1943). “Le Mur” chính là cách dịch sang tiếng Pháp của Cát Tường, một họa sĩ tên Le Mur vào thập kỷ 1930 đã thực hiện một cải cách quan trọng trên chiếc áo tứ thân để biến nó chỉ còn lại hai vạt trước và sau mà thôi. Vạt trước được kéo dài hơn để tăng thêm dáng vẻ uyển chuyển trong bước đi đồng thời thân trên của áo được may ôm sát theo những đường cong cơ thể người mặc tạo nên vẻ yêu kiều và gợi cảm rất độc đáo. Để tăng thêm vẻ nữ tính, hàng nút phía trước được dịch chuyển sang một chỗ mở áo dọc theo vai rồi chạy dọc theo một bên sườn. Đây là bước đột phá lớn nhất góp phần tạo ra chiếc áo dài như ngày hôm nay. Đây là thời kỳ nhân dân Việt Nam đang trong quá trình chiến đấu để giành lấy đất nước. Cũng chính vì vậy, Áo dài Lemur bị ảnh hưởng rất lớn từ phong cách phương Tây. Khác với phom dáng truyền thống, áo dài Lemur lại ôm sát tôn lên đường cong quyến rũ của người phụ nữ. Các chi tiết như cánh tay phồng, cổ khoét hình trái tim, đính nơ… làm cho áo dài Lemur trở nên hiện đại hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, với sự đột phá lớn trong việc cải cách phom dáng chiếc áo, xã hội thời ấy coi những người áo dài Lemur như những người không đứng đắn và chỉ những nghệ sỹ trong giới cách tân mới dám mặc. Sau đó, xã hội phát triển nên quan điểm này cũng dần bị quên lãng đi. Đây được coi là bước đột phá trong việc cách tân làm ra chiếc áo dài ngày hôm nay.

Áo dài Lê Phổ

Áo dài Lê Phổ” đã ra đời và được họa sĩ Lê Phổ bỏ bớt những nét lai căng, cứng cỏi của áo Le Mur, đồng thời đưa thêm các yếu tố dân tộc từ áo tứ thân, ngũ thân vào, tạo ra một kiểu áo vạt dài cổ kính, ôm sát thân người, trong khi hai vạt dưới được tự do bay lượn. Sự dung hợp này quá hài hòa, vẹn vẻ giữa cái mới và cái cũ, được giới nữ thời đó hoan nghênh nhiệt liệt. Từ đây, áo dài Việt Nam đã tìm được hình hài chuẩn mực của nó, và từ bấy giờ đến nay dù trải qua bao thăng trầm, bao lần cách tân cách điệu, hình dạng chiếc áo dài về cơ bản vẫn giữ nguyên.

Áo dài với tay Raglan

Hình thái tiếp theo là “Áo dài với tay Raglan” (1960). Với cách ráp tay Raglan, các nhà thiết kế thời ấy đã khắc phục được nhược điểm rất lớn trong kỹ thuật may mặc thô sơ thời đó, đó là việc giảm thiểu được các nếp nhăn so với áo dài liền tay. Tay áo được nối từ cổ xéo xuống nách. Tà trước nối với tà sau qua hàng nút bấm từ cổ xuống nách và dọc theo một bên hông. Kiểu ráp này vừa giảm thiểu nếp nhăn ở nách, cho phép tà áo ôm khít theo đường cong người mặc, vừa giúp người phụ nữ cử động tay thoải mái, linh hoạtSau thời kỳ này, kiểu dáng của áo dài Việt Nam đã được ổn định.

Áo dài Trần Lệ Xuân

Sau đó là thời kỳ mà “Áo dài Trần Lệ Xuân” đầu những năm 1960 phát triển và được cải biến từ “Áo dài với tay Raglan”.  Trần Lệ Xuân lài vị Đệ Nhất Phu Nhân của nước Việt Nam Cộng Hòa trước  những năm 60. Bà đã thiết kế ra kiểu áo dài cách tân mới bỏ đi phần cổ áo gọi là áo dài cổ thuyền, cổ hở hay dân gian gọi là áo dài Trần Lệ Xuân (áo dài bà Nhu). Không chỉ lạ về mẫu áo, chiếc áo dài hở cổ còn được ‘phá cách’ với họa tiết trang trí trên áo: nhành trúc mọc ngược. Một số nhà phê bình phương tây cho rằng nó hợp lý với thời tiết nhiệt đới của miền nam Việt Nam. Nhưng kiểu áo này khiến những người theo cổ học lúc đó tức giận và lên án nó không hợp với thuần phong mỹ tục.

Áo dài chít eo, áo dài mini

Sau áo dài Bà Nhu là những chiếc áo dài được cách điệu hơn so với trước, đó là “Áo dài chít eo, áo dài mini”. Những năm 1960, áo dài chít eo thách thức quan điểm truyền thống trở thành kiểu dáng thời thượng. Lúc này, chiếc áo nịt ngực tiện lợi đã được sử dụng rộng rãi. Phụ nữ thành thị với tư duy cởi mở muốn tôn lên những đường cong cơ thể qua kiểu áo dài chít eo rất chặt để tôn ngực.Gần cuối thập kỷ 60, áo dài mini trở nên thịnh hành trong giới nữ sinh vì sự thoải mái, tiện lợi của nó. Tà áo hẹp và ngắn đến gần đầu gối, áo rộng và không chít eo nhưng vẫn may theo đường cong cơ thể.

Áo dài hiện đại

Cuối cùng là chiếc “Áo dài hiện đại” từ năm 1970 đến nay. Áo dài hiện đại đã kế thừa và phát huy tất cả những nét tinh hoa nhất từ lịch sử hình thành của nó và phát triển, trở thành niềm tự hào của người Việt. Vẫn giữ phom dáng ôm cơ thể giúp tôn vinh lên đường cong quyễn rũ của người phụ nữ,  áo dài ngày nay càng được sử dụng một cách thông minh và hiện đại. Hình ảnh các nữ sinh phổ thông tung tăng dưới sân trường trong bộ áo dài trắng thực sự là một hình ảnh hết sức đẹp và riêng biệt chỉ có ở nước ta. Dù đã có thời kỳ áo dài vắng bóng rất lâu nhưng may mắn, đến bây giờ áo dài vẫn được sử dụng hết sức phổ biến. Những nhà thiết kế nổi tiếng của Việt Nam thường xuyên trình làng, cho ra mắt các bộ sưu tập áo dài đẹp và thời trang. Áo dài ngày càng được bạn bè quốc tế biết đến như một thương hiệu của người con gái Việt Nam qua các  cuộc thi sắc đẹp quốc tế hay các sự kiện lớn.

Cuối cùng, dù có thay đổi như thế nào, áo dài vẫn là biểu tượng muôn đời và không thể thiếu của người phụ nữ Việt Nam. Thay đổi để hoàn thiện, thay đổi để trở nên hiện đại chứ không thay đổi để làm mất bản sắc truyền thống của mình. Áo dài vẫn luôn là một giá trị tinh thần lớn của con người Việt Nam, có mặt khắp nơi, trên những cánh cổng trường trung học, những làng quê, những ngày Tết hay cả khi những người con gái chia tay cha mẹ về làm dâu nhà chồng.

Rate this post

Bài viết liên quan